Hướng dẫn cách vệ sinh răng miệng đúng chuẩn từ nha sĩ
Chăm sóc, vệ sinh răng miệng là yếu tố quan trọng để đảm bảo sức khỏe răng miệng, hạn chế các bệnh về răng, nướu gây khó khăn trong việc ăn, uống hằng ngày. Tuy nhiên, phần lớn mọi người đều chưa thật sự chăm sóc răng miệng đúng cách. Một số sai lầm thường gặp khi chăm sóc răng miệng bao gồm đánh răng quá mạnh, không sử dụng bàn chải phù hợp, nước súc miệng đều giống nhau,… Những sai lầm trên không chỉ khiến xuất hiện các vấn đề về răng miệng mà còn dễ dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm khác.
Mục lục
Tầm quan trọng của việc vệ sinh răng miệng đúng cách hàng ngày
Sở hữu hàm răng trắng đẹp, giảm nguy cơ sâu răng
Các mảng bám và sự tích tụ vi khuẩn trong khoang miệng là nguyên nhân chính gây ra bệnh sâu răng. Từ đó, nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, vấn đề này sẽ kéo theo một loạt các hậu quả nghiêm trọng khác như viêm nướu, viêm nha chu,… Vì vậy, chăm sóc răng miệng đúng cách để loại bỏ nguy cơ gây nên sâu răng được xem là hoạt động thường nhật rất quan trọng. Cùng với đó, vệ sinh răng miệng cũng sẽ giảm sự ố vàng trên răng, mang lại nét đẹp trắng sáng vượt trội.
Giúp quá trình nhai tốt hơn
Một hàm răng chắc khỏe ảnh hưởng rất lớn đến khả năng nhai thức ăn. Trên thực tế, đã có rất nhiều bạn trẻ vì không quan tâm đến chăm sóc răng miệng dẫn đến răng bị suy yếu trầm trọng. Do đó, biết cách vệ sinh răng miệng đúng cách sẽ giúp bạn có hàm răng chắc khỏe để thoải mái thưởng thức những món ăn mình yêu thích ở cả hiện tại và tương lai.
Xem thêm: Cách chữa sâu răng tại nhà
Bảo tồn trí nhớ, nhận thức
Theo một số nghiên cứu về thần kinh học, những người có vấn đề về răng miệng, đặc biệt là ở độ tuổi khá cao thường có nhận thức, trí nhớ kém hơn những người bình thường. Thông tin này đã được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành nổi tiếng của nước Anh và đa số độc giả đều tán đồng. Vì thế, việc quan tâm đến răng miệng từ khi còn bé là điều rất cần thiết.
Xem chi tiết: Nguyên nhân hôi miệng ở người lớn
Góp phần phòng tránh một số bệnh lý
Bệnh tim mạch: Nếu bạn chăm sóc sức khỏe răng miệng kém thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch rất cao. Vi khuẩn gây viêm lợi có thể xâm nhập vào hệ tuần hoàn và máu khiến các động mạch bị tích tụ mảng bám, cứng lại gây xơ vữa, tắc nghẽn dẫn đến các cơn đau tim, thậm chí là đột quỵ.
Ảnh hưởng đến não bộ: Quá trình viêm nha chu có thể tiết ra chất tiêu diệt tế bào não làm mất trí nhớ. Các chứng mất trí nhớ, bệnh alzheimer cũng có thể là do viêm lợi, vi khuẩn lan trong miệng hoặc là đi vào máu gây ra.
Biến chứng trong quá trình mang thai: Trong thời kỳ mang thai, kháng thể người mẹ xuống rất thấp do sự thay đổi nội tiết tố trong môi trường miệng nên cực kỳ dễ bị nhiễm khuẩn. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng có sự liên hệ mật thiết giữa yếu tố sinh non cũng như trọng lượng trẻ sơ sinh thấp nếu như vệ sinh răng miệng kém.
Ngoài ra, vệ sinh răng miệng không đảm bảo còn ảnh hưởng nhiều đến các bệnh như: phổi, ung thư, tiểu đường, bệnh liên quan đến tình dục, sinh sản… Đây được xem là các bệnh lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người.
Tự tin khi giao tiếp
Người xưa đã có câu “cái răng, cái tóc là góc con người”. Từ đó, bạn có thể hiểu được tầm quan trọng của hàm răng đối với nét đẹp tổng thể. Hãy tưởng tượng, khi gặp đối tác, khách hàng hay đối tượng đang thầm để ý, bạn nở nụ cười với hàm răng trắng sáng và hơi thở thơm tho thì sự tự tin sẽ tăng lên gấp bội và tạo được ấn tượng tốt đẹp cho người đối diện. Khi đó, mọi công việc sẽ được diễn ra trôi chảy, thuận lợi hơn.
Mách bạn: Cách chữa hôi miệng tại nhà vô cùng hiệu quả
Những cách vệ sinh răng miệng đúng cách từ nha sĩ
Đánh răng hằng ngày và đúng cách
Chải răng là cách vệ sinh răng miệng không thể bỏ qua hoặc thay thế. Để hỗ trợ chải răng, bạn có thể sử dụng chỉ tơ nha khoa, máy tăm nước, nước súc miệng.
Ngoài ra cần có chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế đồ ngọt – đồ có ga và vệ sinh răng miệng ngay sau khi sử dụng. Khám nha khoa định kỳ 6 tháng/lần.
Tần suất
Không phải chải răng nhiều lần trong ngày là tốt, chải răng tối thiểu 2 lần/ngày là số lần hợp lý đủ làm sạch tối đa mảng bám, vi khuẩn trên răng. Việc chải răng phải đúng kỹ thuật, lựa chọn kem đánh răng và bàn chải phù hợp.
Thời điểm
Thời gian tốt nhất để đánh răng là sau khi ăn sáng và trước khi đi ngủ, bạn cũng có thể chải răng sau bữa ăn trưa hoặc các bữa ăn khác.
Chỉ cần nhớ phải chờ ít nhất 30 phút sau khi bạn ăn uống thực phẩm, đồ uống có chứa nhiều axit ví dụ như: cam, quýt, rượu hay trái cây khác…Vì khi axit vẫn còn khả năng tác động lên lớp men răng, đây là lúc men răng dễ bị tổn thương nhất nên bạn chải răng là không tốt.
Lựa chọn bàn chải đánh răng
Bạn có thể sử dụng bàn chải thường hoặc bàn chải điện. Bạn nên chọn bàn chải vừa vặn, thích hợp, có thể chải hết được các vị trí trong miệng. Nên chọn bàn chải lông mềm, lông bàn chải tạo thành một mặt phẳng, giúp len lỏi sâu vào các vùng khó tiếp cận bên trong. Bạn nên thay bàn chải sau 3 – 4 tháng sử dụng.
Chọn kem đánh răng
- Kem đánh răng chứa fluor: Kem đánh răng có chứa fluor sẽ rất tốt cho việc phòng ngừa sâu răng. Đối với trẻ em, khi sử dụng các loại kem đánh răng có chứa fluor cũng cần sử dụng với một lượng ít.
- Kem đánh răng có tác dụng tẩy trắng: Với những ai có vấn đề về ê buốt răng, nhạy cảm răng, viêm lợi, sâu răng,… thì không nên sử dụng bởi các thành phần hóa học trong kem đánh răng có thể làm tình trạng nặng hơn.
- Kem đánh răng điều trị viêm lợi: Đây là loại kem đánh răng có khả năng chống lại sự hình thành mảng bám, loại bỏ vi khuẩn gây viêm lợi.
- Kem đánh răng chống ê buốt: Có chứa K+ giúp bịt các ống ngà, chống các kích thích nóng lạnh, rất hiệu quả cho ai bị ê buốt răng. Tuy nhiên, phần lớn chúng không chứa fluor – một hợp chất rất quan trọng trong việc ngăn ngừa sâu răng.
Kem đánh răng của người lớn và trẻ em cần được lựa chọn khác nhau. Vì hàm lượng các chất hóa học trong kem đánh răng của người lớn cao hơn kem đánh răng của trẻ em.
Do đó, bạn nên mua cho bé loại kem đánh răng dành riêng cho trẻ em. Cẩn thận hơn thì bạn nên lựa chọn loại kem chải răng theo sự tư vấn của nha sĩ để có thể có được một loại kem tốt nhất cho mình.
Thời gian chải răng
Thời gian chải răng ít nhất 2 phút, nhưng để tốt hơn bạn nên chải răng 3 phút/lần. Nhiều người chải răng thường xuyên nhưng lại quá nhanh, không làm sạch hết tất cả các vị trí trong miệng, nhất là sau khi sử dụng đồ ngọt.
Cũng rất khó để xác định thời gian 2 phút vì mỗi người luôn luôn chải răng thật nhanh. Để làm được thói quen này, bạn có thể hát thầm một bài hát có thời lượng khoảng 2 phút trong khi chải răng. Như vậy, bạn sẽ loại bỏ được thói quen chải răng quá nhanh và nghĩ như vậy là đủ.
Động tác chải răng với bàn chải thường
Có rất nhiều kỹ thuật được đề xuất trong nha khoa, phương pháp của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA) là rất phù hợp. Cụ thể các bước chải răng đúng cách có trong ảnh minh họa dưới đây.
Cách chải răng
Bạn nghiêng bàn chải với một góc 45 độ so với lợi, di chuyển và chải ngắn, nhẹ nhàng. Bạn cũng có thể chải răng theo vòng tròn trên bề mặt răng, sử dụng đầu bàn chải để làm sạch những bề mặt bên trong của răng bằng các chuyển động lên xuống. Chải lưỡi nhẹ nhàng để loại bỏ vi khuẩn trên bề mặt răng.
Dùng chỉ tơ nha khoa
Chỉ tơ nha khoa – một vật liệu trong ngành nha khoa hỗ trợ cho việc vệ sinh răng miệng, giúp loại bỏ các mảng bám, thức ăn thừa ở giữa các kẽ răng mà bàn chải không làm sạch được. Vậy thế nào là vệ sinh răng miệng đúng cách? Dùng chỉ tơ nha khoa như thế nào là đúng?
Bạn lấy một đoạn chỉ tơ nha khoa dài khoảng 45cm, cuộn vào 2 ngón tay trỏ hoặc giữa và để lại một đoạn khoảng 4cm. Dùng ngón tay cái giữ sợi chỉ đẩy lên xuống nhẹ nhàng giữa hai kẽ răng và đưa xuống đường viền lợi.
Không nên đè mạnh chỉ vì có thể gây tổn thương lợi ở những vùng lợi mỏng. Dùng những đoạn chỉ tơ nha khoa khi di chuyển từ những kẽ răng này tới những kẽ răng khác. Khi lấy chỉ ra, bạn cũng cần nhẹ nhàng khi chuyển động lên xuống.
Ở Việt Nam hiện nay, đa số mọi người thường sử dụng tăm để lấy thức ăn thừa ở các kẽ răng. Tuy nhiên, bạn nên dùng tăm với độ dày hợp lý, được sát khuẩn tốt. Nếu dùng loại tăm quá to hay nhiễm khuẩn thì rất dễ bị viêm lợi.
Sử dụng tăm nước
Tăm nước là một dụng cụ vệ sinh răng miệng rất hữu ích trong những trường hợp cần vệ sinh răng miệng nhanh. Máy vệ sinh răng miệng – tăm nước có thể đánh bay vụn thức ăn thừa ở kẽ răng tốt hơn bàn chải. Tuy nhiên, việc sử dụng tăm nước không thể thay thế cho chỉ tơ nha khoa. Sử dụng tăm nước chỉ hỗ trợ cho quá trình vệ sinh chứ không bắt buộc. Chỉ tơ nha khoa vẫn là tiêu chuẩn được khuyên dùng cho việc lấy sạch thức ăn ở các kẽ răng.
Sử dụng nước súc miệng
Nếu chỉ chải răng thông thường, bạn không thể loại bỏ hết mảng bám, thức ăn cũng như vi khuẩn trong môi trường miệng. Điều này dẫn đến tình trạng hôi miệng. Việc sử dụng chỉ tơ nha khoa hay nước súc miệng là phương pháp hỗ trợ rất tốt cho việc vệ sinh răng miệng.
Sau khi ăn uống xong, bạn có thể sử dụng nước súc miệng chuyên dụng. Thông thường trong các loại nước súc miệng có chứa một lượng kháng sinh nhỏ giúp diệt khuẩn tốt và có một hơi thở thơm mát hơn. Khi sử dụng nước súc miệng, bạn không nên quá lạm dụng, nên sử dụng với sự tư vấn của nha sĩ.
Mỗi người sẽ sử dụng một lượng nước súc miệng khác nhau, dùng nhiều có thể dẫn tới hiệu quả không tốt như: đổi màu răng, ê buốt răng,… Mỗi lần, bạn cho nước súc miệng ra nắp của chai khoảng 20ml.
Ngậm dung dịch vào trong miệng khoảng 1 – 2 phút và súc miệng, sau đó nhổ nước súc miệng ra. Bạn chỉ súc miệng 1 – 2 lần sau khi chải răng mỗi ngày. Nếu có các tình trạng bệnh lý miệng như: viêm lợi, sau khi nhổ răng, bạn nên sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Sử dụng lại nước súc miệng bình thường khi hết các bệnh lý trong miệng.
Chế độ ăn uống hợp lý và lối sống khoa học
Ngoài việc chải răng đúng cách, sử dụng chỉ tơ nha khoa, máy tăm nước, súc miệng bằng nước súc miệng chuyên dụng thì bạn cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống hợp lý và lối sống khoa học.
Đối với răng miệng, phần lớn thực phẩm mà chúng ta ăn hàng ngày đều có chứa tinh bột, đường nên tạo ra các mảng bám axit, gây hại cho răng.
Thay vào đó, bạn cũng có thể sử dụng nhiều loại thực phẩm giúp loại bỏ được mảng bám răng mà vẫn đầy đủ dinh dưỡng. Trong rau quả có rất nhiều chất xơ, giúp sản sinh nhiều nước bọt, loại bỏ mảng bám có hại cho răng. Những thực phẩm mà bạn nên tránh là thức ăn vặt có chứa nhiều đường, nhiều axit,… những thói quen xấu cũng phải được loại bỏ là uống đồ uống có ga chứa nhiều axit gây mòn men răng.
Đối với người niềng răng, việc vệ sinh răng miệng rất quan trọng vì có liên quan đến thẩm mỹ răng sau này. Nếu vệ sinh không tốt có thể dẫn đến các vấn đề răng miệng như: viêm nướu, viêm chân răng gây đau nhức, khó chịu.
7 sai lầm dễ mắc phải trong cách chăm sóc răng miệng hàng ngày
Đánh răng ngay sau bữa ăn
Sau bữa ăn, một số người thường có thói quen đánh răng ngay. Tuy nhiên, đây được xem là hành động làm yếu răng và nướu rất nhanh bởi những thực phẩm có nhiều axit như nước chanh, cam hay các loại trái cây vị chua sẽ làm hại men răng. Vì vậy, theo các chuyên gia nha khoa, bạn nên đánh răng sau bữa ăn ít nhất 30 phút để có thời gian khoang miệng tự cân bằng độ pH sau quá trình ăn uống.
Quên vệ sinh răng miệng trước khi đi ngủ
“Đánh răng mỗi sáng và tối trước khi đi ngủ” được xem là câu khẩu hiệu xuất hiện ở khắp mọi nơi: trên tivi, poster, các lớp học,… Khoa học đã chứng minh, khi bạn ngủ, các vi khuẩn trong khoang miệng nếu không được loại bỏ sẽ phát triển rất nhanh gây nên các bệnh lý về răng miệng. Việc vệ sinh răng miệng đúng cách bằng các máy vệ sinh răng miệng, nước súc miệng,… sẽ đánh bay các mảng bám thức ăn bị kẹt lại trong kẽ răng, hạn chế sự tồn tại và sinh sôi của vi khuẩn.
Thao tác đánh răng quá mạnh
Nhiều người quan niệm rằng “muốn răng sạch thì phải đánh cho thật mạnh”, tuy nhiên, nó thật sai lầm! Khi bạn nhấn mạnh bàn chải, men răng và nướu sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Không những thế mà các mảng bám thức ăn cũng sẽ không được loại bỏ. Chính vì vậy, bạn cần thao tác nhẹ nhàng và thực hiện theo hướng dẫn đã được mô tả ở phần trên.
Tần suất đánh răng quá nhiều lần trong 1 ngày
Đánh răng 2 lần/ngày được xem là phương án tốt nhất. Khi đánh răng quá nhiều, men răng sẽ bị hư dẫn đến tình trạng yếu răng. Nếu cảm thấy khó chịu sau các bữa ăn, bạn có thể sử dụng nước muối sinh lý hay nước sạch để súc miệng thay vì đánh răng nhé!
Bỏ qua nướu và lưỡi
Thao tác vệ sinh răng miệng bao gồm làm sạch răng, lưỡi và nướu chứ không chỉ răng như một số người lầm tưởng. Nếu không chú ý điều này, thức ăn sẽ không được loại bỏ hết gây hôi miệng và viêm nướu. Bạn hãy dùng những dụng cụ vệ sinh răng miệng chuyên dụng cho từng bộ phận để vệ sinh nhẹ nhàng mỗi sáng và tối giúp bảo vệ khoang miệng tốt nhất.
Không lấy vôi răng
Nước bọt và vi khuẩn từ thức ăn còn sót lại là nguyên nhân chính hình thành vôi răng. Quan sát bằng mắt, nó thường có màu vàng bám trên răng và quá trình vệ sinh răng hàng ngày không thể làm sạch được. Nếu tình trạng này kéo dài, bệnh viêm nướu rồi nặng hơn là bệnh viêm nha chu gây mất răng hoàn toàn có thể xảy ra.
Không chú ý đến vệ sinh bàn chải
Nếu chỉ vệ sinh sơ bàn chảy sau khi đánh răng bằng nước sạch, các vi khuẩn có hại vẫn sẽ tồn tại và hình thành các ổ vi khuẩn khổng lồ. Khi đó, việc đánh răng hàng ngày đôi khi sẽ không còn hiệu quả như mong muốn. Chính vì vậy, các chuyên gia đã khuyến cáo nên thay bàn chải 3 tháng 1 lần hoặc sau mỗi lần bị bệnh. Để vệ sinh bàn chải thì bạn hãy đặt chúng trong nước súc miệng khoảng 20 phút và chú ý không nên để bàn chải của các thành viên trong gia đình chung với nhau.
Trên đây, VUI KHỎE vừa chia sẻ đến bạn những thông tin hữu ích về việc vệ sinh răng miệng đúng cách. Hy vọng những nội dung trên sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình chăm sóc và vệ sinh răng miệng để có một hàm răng chắc, khỏe, đẹp, luôn tự tin khi giao tiếp với những người xung quanh. Cuối cùng, đừng quên theo dõi website của chúng tôi để đón đọc những bài viết mới liên quan đến lĩnh vực sức khỏe nhé!